Thừa hưởng năng khiếu ca hát từ mẹ, vốn là một ca sĩ phong trào trước 1975, cô con gái út trong gia đình gồm bốn anh chị em từ nhỏ đã mê hát hơn ham học.
Người cha đại tá bộ đội tập kết thuộc binh chủng thiết giáp, sau ngày đất nước giải phóng đã đưa cả gia đình về Nam sinh sống tại khu vực suối Lồ Ồ, Bình Dương. Quỳnh Lan ao ước được vào nhạc viện nhưng nhà nghèo lại đường xa, một lần được mẹ chở đến để nhìn tận mắt cho thỏa chí rồi thôi. Cô bé đành quay về an phận với cây guitar thùng, vốn là tài sản của người anh cả, từng có lúc theo học bộ môn guitar ở Nhạc viện Hà Nội. Bảy, tám tuổi, vòng tay bé bỏng chưa ôm nổi thân đàn, nhưng cô em út cứ chờ lúc anh đi vắng, lại lén bắc ghế trèo lên gỡ đàn xuống mày mò bấm. Rồi cô cũng được anh truyền cho ít ngón nghề mặc dầu thỉnh thoảng, mất kiên nhẫn, anh lại cho cô ăn một cái cốc vào đầu. Cứ thế, cô vừa đàn vừa hát một mình rồi trở thành ghiền lúc nào không hay.
Năm 1990, Quỳnh Lan đoạt giải người hát hay trong một cuộc thi hát được tổ chức tại TPHCM. Bốn năm sau, năm 1994, sau khi đoạt giải tư cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM, cô nhận được lời mời của nhiều sân khấu nhưng vì mẹ không cho đi, sợ nghiệp hát nhiều cạm bẫy nên Quỳnh Lan đành chọn nghề hướng dẫn viên du lịch. Nhưng khi nhạc sĩ Trần Tiến - vốn là người từng được gia đình ngưỡng mộ - đến nhà bảo lãnh, xin cho Quỳnh Lan làm thành viên nhóm Du ca Đồng đội, cô mới được mẹ cho phép theo nghề. Trong một năm cùng các thành viên khác của Du ca Đồng đội (ca sĩ Y Moan, Lâm Xuân, Trần Tài, Trần Tiến), Quỳnh Lan được đi diễn khắp nơi trong nước, từ Bắc chí Nam, được có cơ hội rèn luyện giọng ca và nâng cao ngón đàn. Năm 1996, khi nhóm Du ca Đồng đội của nhạc sĩ Trần Tiến thôi... du ca cũng là lúc Quỳnh Lan khởi nghiệp hát đơn. Đêm đêm, từ Bình Dương, đeo theo trên lưng cây đàn guitar, Quỳnh Lan là con chim lạ lặng lẽ xuất hiện trên các sân khấu của những phòng trà TP với lối hát nhẹ nhàng, ấm áp như tình tự.
Sợ một mình một đàn không mang tầm chuyên nghiệp, Quỳnh Lan nghĩ đến một hình thức biểu diễn mới: Cùng hòa điệu với một cây guitar khác. Và cô đã thử nghiệm trong 2 năm cùng với guitarist Xuân Hoàng. Và khoảng 5 năm trở lại đây, thay chỗ Xuân Hoàng là nghệ sĩ Hoàng Minh tại bar Seventeen (khách sạn Riverside, Bến Bạch Đằng, Q.1) hằng đêm và mỗi sáng chủ nhật tại quán cà phê Yesterday (35 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1- TPHCM).
Chọn cho mình con đường riêng này, đối với Quỳnh Lan, điều đó vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì hát với guitar là chuyện đã “ăn vào máu” và khó vì nhịp phách không có trống để giữ như nhạc cụ điện tử mà được hình thành theo ngẫu hứng, khi nhanh khi chậm tùy vào cảm xúc của người hát lẫn người đàn. Hát với một dàn nhạc, những khiếm khuyết của giọng ca có thể được lấp liếm nhưng hát với guitar thùng, ca sĩ không được phép phạm một lỗi lầm nào. Quỳnh Lan kể, nhiều khi cô phải kìm nén giọng hát sao cho nó hòa quyện với “cảm xúc” của hai cây đàn. Vì vậy cuộc hội ngộ giữa cô và Hoàng Minh được xem như một cái duyên may trong nghệ thuật.
Một guitarist giỏi đã đành, Hoàng Minh còn là người bạn diễn có được sự đồng cảm khá ăn ý với Quỳnh Lan. Có những lúc đang biểu diễn, Hoàng Minh bỗng hưng phấn “phăng” ngón đàn, Quỳnh Lan biết ý cũng “phiêu” theo và, ngược lại. Để có được một tiết mục biểu diễn theo phong cách này, Hoàng Minh chịu trách nhiệm soạn ra phần nhạc đệm cũng như những đoạn độc tấu guitar, rồi sau đó cả hai cùng tập luyện khá lâu, có khi phải diễn sân khấu nhiều lần mới thuộc nhuyễn bài. Một tiết mục hình thành vất vả là thế nhưng 5 năm qua giữa họ chưa một lần cãi cọ, trái lại, càng làm việc, họ càng tỏ ra tâm đầu ý hợp. Điều lạ là giữa họ chỉ là một tình bạn trong sáng. Quỳnh Lan vẫn phòng không chiếc bóng, còn Hoàng Minh đang có một gia đình riêng hạnh phúc với một vợ, một con.
"Một mái tóc bồng bềnh, một cây guitar và một gương mặt như cố giấu đi cảm xúc thật khi hòa mình vào các ca khúc của Trịnh Công Sơn như Còn tuổi nào cho em, Xin mặt trời ngủ yên, Hành hương trên đồi cao… Đó là ấn tượng của khán giả khi nói về Quỳnh Lan. Việc tự học guitar từ lúc 7 tuổi đã giúp Quỳnh Lan có được những cảm xúc mãnh liệt khi ôm đàn vào lòng và hát. Chị tâm sự: "Không hiểu sao mình không thể hát nhạc trẻ được, cứ nhìn vào bài hát là lòng trơ ra. Tuy nhiên, đối với các tình khúc buồn thì chỉ cất giọng lên đã muốn bật khóc". Nhìn Quỳnh Lan tất tả nhờ anh trai mỗi tối chạy từ Bình Dương lên TP HCM để được hát, nhiều người lo lắng cho sức khỏe của chị. Song 8 năm rồi, chị đã ngược xuôi như vậy. Từng đoạt giải tư Tiếng hát Truyền hình TP HCM và huy chương bạc Hội thi Ca múa nhạc chuyên nghiệp TP HCM năm 1999, nhưng chị lại rất hài lòng khi đến với khán giả của phòng trà, nơi ấy mới thật sự giúp cho tiếng hát của chị đi vào lòng người một cách sâu lắng và mộc mạc." (VnExpress)
Từ 4, 5 năm nay có rất nhiều nhạc sĩ sáng tác tại hải ngọai đã giao phó những đứa con tinh thần của mình cho nghệ thuật diễn tả mà họ đánh giá là rất truyền cảm và lôi cuốn của Quỳnh Lan để thu thanh trên những CD thực hiện ở trong nước. Chính nhờ vậy mà tên tuổi Quỳnh Lan được biết đến nhiều ở ngoài nước.
Nhà thơ Phạm Ngọc đã khám phá ra giọng hát của Quỳnh Lan vào năm 2004 trong một lần về thăm Việt Nam. Vào thời điểm này, Quỳnh Lan còn thuần túy là một ca sĩ hát phòng trà.
Phạm Ngọc nhận ra nhiều sắc thái đặc biệt nơi giọng hát của cô nên đã giới thiệu đến một số bạn bè nhạc sĩ tại hải ngoại.
Từ đó trở đi, nhiều nhạc sĩ sáng tác đã gửi nhạc phẩm của mình về Việt Nam để Quỳnh Lan thu thanh. Cô đã nhắc đến những tên tuổi như Phạm Anh Dũng, Miên Du Đà Lạt, Vũ Thư Nguyên, Vĩnh Điện, Võ Tá Hân, Nguyễn Đăng Tuấn, Nghiêu Minh...
Với giấc mơ Quỳnh Lan cho là thành tựu của mình, nhất là sự thành tựu đó rất khả quan trên nhiều góc cạnh, đặc biệt trong sự kết nối giữa một giọng ca trong nước và những nhạc sĩ sáng tác tại hải ngoại.